BÀI TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH, LIỆT SỸ (27/7/1947 – 27/7/2024)

Thứ ba - 09/07/2024 04:09
BÀI TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH, LIỆT SỸ (27/7/1947 – 27/7/2024)
BÀI TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH, LIỆT SỸ (27/7/1947 – 27/7/2024)
BÀI TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH, LIỆT SỸ (27/7/1947 – 27/7/2024)
4U5A0081
Kính thưa quý vị đại biểu.
Kính thưa Thân nhân các gia đình liệt sỹ, Thân nhân bà mẹ việt Nam Anh Hùng. Kính thưa các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình có công với cách mạng và toàn thể nhân dân.
          Trong những ngày này toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích hướng tới kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng tám – Quốc khánh 2/9, 56 năm chiến thắng ngã ba Đồng Lộc và các ngày lễ lớn trong năm. Thực hiện Kế hoạch số  /KH-UBND ngày /07/2024 của UBND xã Ích Hậu về việc tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2024). Đây là dịp để chúng ta ôn lại những truyền thống đấu tranh anh dũng của những người con quê hương Ích Hậu chúng ta qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đầy gian khổ và hy sinh mất mát, từ sau Đại thắng mùa xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã buộc đế quốc Mỹ và bọn tay sai thân Mỹ, đầu hàng cách mạng Việt Nam vô điều kiện, đưa lại hòa bình và thống nhất 2 miền Nam – Bắc, cho Tổ quốc non sông, đến nay đã gần nửa kỷ, nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì bù lấp được.
Kính thưa toàn thể quý vị Kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sỹ, là dịp chúng ta ôn lại chặng đường đấu tranh anh dũng của quân và dân ta với bao mất mát, hy sinh, chia lìa, tang tóc, các thế lực thù địch có dã tâm xâm lược, muốn chiếm nước ta thành một nước nô dịch để chúng độ hộ và bóc lột, thế nhưng với sự lãnh đạo tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp với sức mạnh khối đoàn kết của toàn dân tộc đứng lên làm cách mạng và đã thành công vang dội trên trường quốc tế.
Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Khi chính quyền cách mạng đang còn non trẻ thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn lại bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sĩ đồng bào ta đã bị thương, có người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nhiều gia đình cùng một lúc phải mất đi cả chồng và các con ngoài mặt trận. Nhiều người vợ trẻ chỉ được hưởng hạnh phúc vợ chồng chưa trọn một ngày, rồi góa bụa cả đời. Khỏi phải nói những thiệt thòi mất mát, nỗi buồn tủi của những người còn sống khi người thân mất đi. Nhưng cũng chính bằng lòng tiếc thương vô hạn ấy, người sống tự nói với lòng mình rằng: "Hãy sống sao cho xứng với người đã khuất". Và rồi đã thành truyền thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã dành tình thương yêu của mình chăm sóc các gia đình liệt sĩ, anh chị em thương binh, bệnh binh một cách tận tình chu đáo.
Chiều ngày 28/5/1946, Hội "Giúp binh sĩ bị nạn" tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ Chủ Tịch đã tới dự. Chiều ngày 11/7/1946, tại Nhà hát này đã có một buổi quyên góp quần áo, giầy mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động "Mùa đông chiến sĩ". Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ. Ngày 19/12/1946, kháng chiến Toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan ra nhiều vùng, số người bị thương, bị hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sĩ gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Trong tình hình ấy, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt sĩ, góp phần đảm bảo đời sống vật chất tinh thần cho các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Tổng Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ – Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc, là dịp để đồng bào "tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh". Ngày 27/7/1947, một cuộc mít tinh quan trọng đã được diễn ra tại Thái Nguyên (có 2000 người tham gia). Tại đây Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Hồ Chủ Tịch. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Từ năm 1947, ngày Thương binh được tổ chức thường kỳ hàng năm. Năm nào vào dịp này, Hồ Chủ Tịch cũng có thư và quà gửi anh chị em thương binh và các gia đình liệt sĩ. Tháng 7/1954 sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng và Nhà nước ta càng đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề chiến sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh. Và từ năm 1955, ngày 27/7 – ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh Liệt sĩ.
Trong thư gửi Ban thường trực của Ban tổ chức ngày Thương binh toàn quốc, Bác Hồ viết: "Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe doạ, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh". Tư tưởng, tình cảm đó của Người lại được thể hiện trong lời kêu gọi, nhân ngày 27/7/1948: "Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con của nhân dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết tâm đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh để giữ tính mệnh đồng bào. Họ quyết hy sinh gia đình và tài sản họ để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của chúng ta. Trong đó có người đã bỏ lại một phần thân thể ở mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ…" Trải qua hàng chục năm ròng chiến đấu cho lý tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" mà Đảng và Bác Hồ đã chỉ ra, hàng triệu đồng bào, đồng chí đã hy sinh cả cuộc đời mình, hàng chục vạn người đã cống hiến một phần thân thể của mình, những mất mát ấy không thể bù đắp được.
Thấu hiểu những hy sinh to lớn đó, Người viết: "Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Cho nên đối với "những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng", và Người giải thích: "Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại".
Bác Hồ còn thường xuyên viết thư thăm hỏi thương binh, gia đình liệt sĩ, nhắc nhở trách nhiệm và động viên, biểu dương các địa phương, các đơn vị và cá nhân đã hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Tháng 11/1946, trong thư gửi các địa phương, Người viết: "Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cám ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình liệt sĩ đó và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi…". Tháng 2/1948, Người gửi thư dặn dò các cháu nhi đồng phát động công tác Trần Quốc Toản, với những tình cảm thiết tha: "… Bác không phải mong các cháu tổ chức những "Đội Trần Quốc Toản" để đi đánh giặc và lập nhiều chiến công, nhưng mà cốt để tham gia kháng chiến, bằng cách giúp đỡ đồng bào. Từ 5 đến 10 cháu tổ chức thành một đội, giúp nhau học hành. Khi học rảnh, mỗi tuần mấy lần cả đội đem nhau đi giúp đồng bào. Trước thì giúp các nhà chiến sĩ, các thương binh, lần lượt giúp những nhà ít người. Sức các cháu làm được việc gì thì giúp việc ấy". Tháng 7/1951, Người phát động phong trào "Đón thương binh về làng" với nội dung cụ thể: "Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mỗi xã phải tùy theo sự cố gắng và khả năng chung của mỗi xã mà đón một số anh em thương binh. Giúp lâu dài chứ không phải chỉ giúp một thời gian" và trong dịp Đảng, Chính phủ về Thủ đô sau 9 năm kháng chiến, Người đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng, Chính phủ tới đặt vòng hoa ở Đài liệt sĩ. Trong diễn từ tại buổi lễ, Người viết: "Hỡi các liệt sĩ. Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Tôi thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ. … Một nén hương thanh. Vài lời an ủi". Cảm động biết bao khi một vị Chủ tịch nước, hàng năm cứ đến Ngày Thương binh liệt sĩ lại gửi thư cùng một tháng lương của mình, kèm đó, khi thì một bữa ăn, khi thì một món quà (do đồng bào gửi biếu) để tặng anh em thương binh. Với quan điểm khoa học và đầy tinh thần lạc quan "tàn nhưng không phế", Bác khuyên anh em thương binh: "Khi đã khôi phục sức khoẻ phải hăng hái tham gia công tác sản xuất để trở nên người công dân kiểu mẫu. Bác chúc các gia đinh liệt sĩ trở thành những "gia đình cách mạng gương mẫu".
Kính thưa toàn thể nhân dân.
Trong suốt chiều dài lịch sử "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa", trải qua hàng nghìn năm văn hiến, dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn, đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do, và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong các cuộc đấu tranh đó, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Máu đào và sự cống hiến, hy sinh cao cả của các thương binh, liệt sĩ để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do.
Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú ý căn dặn trong bản Di chúc: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình. Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh". Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương, cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi nhớ sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét". Hàng năm, ngày thương binh, liệt sĩ 27/7 đã trở thành một ngày toàn dân tưởng nhớ, tri ân những người có công với nước. Đảng và Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi về cả vật chất lẫn tinh thần đối với người có công cũng như gia đình và con em của họ. Nhưng tưởng nhớ, tri ân với người có công với nước không chỉ một ngày, một đợt, một lễ kỷ niệm mà cần hơn là những việc làm thiết thực, thường xuyên để giúp gia đình con em những người đã hi sinh, mang thương tật vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Phải coi ngày 27/7 hàng năm là ngày lễ tri ân những người có công với nước, ngày mà những người còn sống mãi mãi không được quên. Mặt khác, phải thể hiện lòng tri ân một cách thiết thực, hiệu quả, coi việc mình làm cho thân nhân liệt sĩ, thương binh là làm thay những người con ưu tú đã hi sinh vì Tổ quốc, vì mình, vì cả dân tộc Việt Nam.
Kính thưa Thân nhân các gia đình liệt sỹ, Thân nhân bà mẹ việt Nam Anh Hùng. Kính thưa các đồng chí thương binh, bệnh binh.
Xã nhà chúng ta là một xã có truyền thống thống cách mạng hào hùng, là cái nôi của phong trào xô viết Nghệ Tĩnh, ở thế kỷ XVIII đã có những người con ưu tú của Ích Hậu tập hợp những người nông dân nghèo và cầm đầu phong trào chống sưu cao thuế nặng của thực Dân phong kiến đó là Chi sỹ Nguyễn Hằng Chi, thế hệ cứ nối tiếp nhau góp sức phục vụ chiến đấu để bảo vệ và xây dựng tổ quốc, qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với hoạt động tình nguyện giúp đỡ các nước Lào, Campuchia giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, thống trị và nô lệ, những người con của quê hương Ích Hậu đã đóng góp hàng ngàn lượt người trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Sau ngày đất nước được thống nhất, xã nhà chúng ta có 114 người con anh dũng hy sinh được công nhận là Liệt sỹ và hàng trăm người đã để lại một phần cơ thể của mình trên các chiến trường, đến nay chỉ còn hơn 70 người được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Toàn xã có 7 bà mẹ được tặng và truy tặng danh hiệu Vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, 654 người được tặng huân chương, huy chương kháng chiến và hàng trăm người được công nhận là người tham gia hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng vv…; Với những đóng góp to lớn ấy xã Ích Hậu vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Kỷ niệm chương, Bằng có công với nước, Huân chương chiến công hạng ba, năm 2004 được công nhận xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, năm 2012 Đại tá Nguyễn Đức Hùng, tên hoạt động cách mạng là “Tư Chu” người con ưu tú của quê hương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đến năm 2017 cố Đại tá Lê Xy cũng được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
4U5A0082
Để tiếp tục hoàn thiện tốt hơn nữa hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa – Uống nước nhớ nguồn” đồng thời thực hiện tốt Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, trong  thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện khá tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn, đây là hoạt động thể hiện sự tri ân của chúng ta đối với những hy sinh, đóng góp to lớn của các liệt sỹ, thương binh và những người có công với cách mạng; đồng thời đẩy mạnh việc phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn” để các cấp, các ngành và mọi người dân cùng tích cực tham gia tốt hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Kính thưa toàn thể nhân dân. Nhân Kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt chúng ta điểm lại những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân xã nhà đã không ngừng cố gắng, phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã khóa 36, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đánh giá về phát triển kinh tế, chúng ta đạt 295 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt 35,5 triệu đồng, tiếp tục giữ vững xã Nông thôn mới, từng bước xây dựng Nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2025; 3/3 trường học và trạm y tế đều đã giữ vững chuẩn Quốc gia, 100% người có công và thân nhân, người tham gia hoạt động kháng chiến, bảo vệ tổ quốc được công nhận đều được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định và kịp thời, như: Chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần, Bảo hiểm y tế, chế độ tử tuất…An ninh Quốc phòng luôn đạt đơn vị tiến tiến và Quyết thắng, Đặc biệt từ tháng 5 năm 2021 đến nay, toàn xã chúng ta đã làm được 26 nhà ở cho người có công và người tham gia kháng chiến, 1 nhà thờ thờ phụng liệt sỹ do nơi thờ tự riêng của liệt sỹ xuống cấp, hư hỏng, từ nguồn kinh phí của BCĐ 22 tỉnh Hà Tĩnh và các nguồn của con em đồng hương xa quê hỗ trợ,…Có được những thành quả trên cũng là nhờ phát huy tốt tinh thần cách mạng của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân xã nhà chúng ta, không ngừng học tập, phấn đấu, cống hiến, cùng với sự tập trung trí tuệ, sự chỉ đạo, lãnh đạo năng nổ, nhiệt tình và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đặc biệt Đại hội Đại biểu Đảng bộ khóa 36, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đại hội đã đề ra 26 mục tiêu phấn đấu, trong đó điển hình: Đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 65.2 triệu đồng/người/năm; Hộ nghèo giảm xuống còn 2,5%; 100% số hộ được sử dụng nước sạch, và xã đạt Nông thôn mới nâng cao…
          Để thực hiện thành công 26 mục tiêu Đại hội đã đề ra, đòi hỏi sự quyết tâm nêu cao vai trò lãnh đạo và chỉ đạo tích cực của Đảng bộ, sự vào cuộc tận tình đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt sự chung tay, góp sức mạnh mẽ và thiết thực của toàn thể nhân dân, như tinh thần cách mạng của những người con Ích Hậu thế hệ Anh hùng liệt sỹ đã được lịch sử khắc ghi, chắc chắn chúng ta sẽ sớm hoàn thành, Với mục tiêu là Nâng cao cuộc sống về vật chất và tinh thần cho mọi người dân, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, đô thị hóa nông thôn và cũng là sự báo đáp công ơn của các anh hùng, liệt sỹ, các anh chị em thương – bệnh binh, các gia đình có công với cách mạng, đã cống hiến, hy sinh cho quê hương đất nước./.
Kính thưa Thân nhân các gia đình liệt sỹ, Thân nhân bà mẹ việt Nam Anh Hùng. Kính thưa các đồng chí thương binh, bệnh binh, thưa toàn thể quý vị.
Cho dù ở thời điểm nào, Cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các Ban ngành, đoàn thể, luôn luôn biết ơn và ghi nhận sâu sắc công lao, sự hy sinh mất mát của các gia đình Liệt sỹ, các anh chị em Thương – Bệnh binh, các gia đình có công với cách mạng. Ngày nay xã nhà chúng ta đang tiến dần về đích Nông thôn mới kiểu mẫu, Chính quyền địa phương lại tiếp tục đón nhận được sự đồng lòng, chung tay góp sức của toàn dân, trong đó sự cống hiến của các gia đình chính sách cũng hết sức to lớn. Sự cống hiến đó nó sẽ đem lại cho xã nhà ngày càng giàu mạnh và phồn vinh, nông thôn trở thành một miền quê đáng sống, nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Xin trân trọng cảm ơn./.
BAN VĂN HÓA XÃ ÍCH HẬU
 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây