Bài tuyên truyền Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám
(19/8/1945-19/8/2024) và Quốc Khánh mồng 2/9.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng Tháng Tám, là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin, được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh, và đường lối cách mạng của Đảng ta, gắn độc lập dân tộc với Chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc, trải qua mấy nghìn năm phấn đấu, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cấu kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc, hòa quyện với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với xu thế của thời đại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đã cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước, bị chủ nghĩa đế quốc thực dân áp bức, thống trị. Nó khẳng định rằng, trong điều kiện trào lưu của cách mạng vô sản, cuộc cách mạng do một đảng, của giai cấp công nhân lãnh đạo, không chỉ có thể thành công ở một nước tư bản kém phát triển, nơi mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc, mà còn có thể thành công, ở ngay một nước thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu, để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của Chủ nghĩa xã hội.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử do chính Người chuẩn bị, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới, về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Tuyên ngôn Độc lập là văn bản pháp lý, đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo, và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hơn thế nữa, Tuyên ngôn độc lập, còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại, là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do, của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới.
Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước ta. Với hệ thống lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, một cơ sở pháp lý vững chắc, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.
79 năm qua, đất nước Việt Nam đang không ngừng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ. Sức mạnh tổng hợp quốc gia tăng lên. Việt Nam được bạn bè thế giới mến phục, coi là biểu tượng của sự ổn định xã hội, tinh thần chiến thắng đói nghèo, đề cao nhân nghĩa trong thế kỷ 21. Những thành tựu to lớn, đã đạt được từ ngày thành lập nước đến nay, chứng tỏ, sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam. Là cả một quá trình phấn đấu hy sinh của cả dân tộc, để bảo vệ và xây dựng nên Tổ quốc. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, có thêm nhiều điều kiện tiền đề thuận lợi để vững bước trên con đường mà Đảng ta, nhân dân ta và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn”. Đây là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, và tại nhiều hội nghị quan trọng, khi Tổng Bí thư tới dự và có các phát biểu chỉ đạo quan trọng.
Thực tế cho thấy, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, Quốc phòng - An ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt trong những năm gần đây; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã Ích Hậu, đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa kinh tế - văn hoá - xã hội của xã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, đời sống nhân dân ngày một được nâng cao
- Đảng bộ nhiều năm liền đạt trọng sạch vững mạnh; Quốc phòng – An ninh luôn giữ vững tốp đầu của huyện. 2/5 thôn đạt, nông thôn mới kiểu mẫu, từng bước xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao.
- Năng suất lúa bình quân đạt 57.5 tạ/ha, sản lượng đạt 2.785 tấn. Thu nhập bình quân đầu người, trên 57 triệu đồng trên người trên năm.
- 41 mô hình, trong đó có 8 mô hình lớn, 9 mô hình vừa và 24 mô hình nhỏ.
- Có 13 doanh nghiệp hoạt động và phát triển tương đối tốt.
- Toàn xã có 12 xe vận tải, 14 xe tacxi chở khách, 98 máy làm đất, 33 máy xay xát, 1 máy gặt liên hoàn, 8 cơ sở cơ khí, 6 cơ sở sửa chữa xe máy và 8 cơ sở sửa chữa điện tử, 3 điểm kinh doanh điện tử điện lạnh, 4 hộ kinh doanh thu mua lúa gạo và 145 hộ dân kinh doanh cá thể có quy mô lớn.
- Có 9 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó, có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, và 7 di tích cấp tỉnh.
Toàn xã có 114 Liệt sỹ, và hàng trăm người đã để lại một phần cơ thể của mình trên các chiến trường, đến nay chỉ còn hơn 70 người, được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. 7 bà mẹ được tặng và truy tặng, danh hiệu Vinh dự nhà nước, “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, 654 người được tặng huân chương, huy chương kháng chiến, và hàng trăm người được công nhận là người tham gia hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Với những đóng góp to lớn ấy, xã Ích Hậu vinh dự được Đảng và Nhà nước, trao tặng Kỷ niệm chương, Bằng có công với nước, Huân chương chiến công hạng ba, năm 2004, được công nhận xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, năm 2012, Đại tá Nguyễn Đức Hùng, tên hoạt động cách mạng là “Tư Chu.” người con ưu tú của quê hương, được Nhà nước phong tặng danh hiệu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, và đến năm 2017, cố Đại tá Lê Xy, cũng được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
- Có 45 em đậu vào các trường Đại học. Học sinh 4 cấp học trên địa bàn có 1621 em; 3 trên 3 trường học và Trạm Y tế đạt chuẩn Quốc gia. 185 em đạt học sinh giỏi các cấp, (trong đó 27 em học sinh giỏi tỉnh, 158 em học sinh giỏi huyện.
- Tỷ lệ hộ nghèo 2,32%,
- 2/5 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu, từng bước xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao.
Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mồng 2/9, là dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Ích Hậu, ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Ích Hậu, càng thấy rõ hơn bao giờ hết, trách nhiệm to lớn vẻ vang, là xây dựng xã Ích Hậu ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hoàng Minh